Chủ đề “Khu thương mại tự do” trong bản Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 vừa được Bộ Công Thương phát hành đã phần nào phác thảo bức tranh toàn cảnh về ngành logistics Việt Nam,…Trong khuôn khổ bài viết này, RatracoSolutions Logistics chúng tôi sẽ cập nhật tình hình logistics ở Việt Nam hiện nay cũng như bàn về chi tiết Báo cáo logistics Việt Nam 2024 cho các đoàn thể, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan nhất về tình hình logistics 2024.
Tổng quan chung về tình hình kinh tế Việt Nam và logistics thế giới 2024
Hãy cùng Ratraco Solutions tìm hiểu tổng quan chung về tình hình logistics ở Việt Nam hiện nay cũng như tình hình logistics 2024 toàn cầu ngay sau đây:
Tình hình kinh tế Việt Nam
Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước:
Các tổ chức quốc tế đều nhận định, tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0, 9 -1,1 điểm phần trăm (Hình 1.9), từ 6,0% – 6,1%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
- Chỉ số giá:
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 3,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, với các nhóm hàng tăng giá gồm ăn uống và dịch vụ ăn uống; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giáo dục; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông.
Tình hình sản xuất
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 9 năm 2024 bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại lớn về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của nhiều tỉnh phía Bắc.
Tuy vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III và 9 tháng năm 2024 của cả nước vẫn duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
- Xuất, nhập khẩu hàng hóa:
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD
- Xuất, nhập khẩu dịch vụ:
Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, dịch vụ du lịch đạt 8,8 tỷ USD (chiếm 50,6% tổng kim ngạch), tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 4,9 tỷ USD (chiếm 28,1%), tăng 7,9%.
Tình hình hoạt động dịch vụ
- Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.591,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 16,7%
Tình hình đầu tư
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2024 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13,96 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 8,3%.
Thị trường logistics toàn cầu
Tổng quan chung về tình hình logistics thế giới: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực thị trường có quy mô lớn nhất và phát triển năng động nhất, do quy mô mạng lưới thương mại và hoạt động giao thương sôi động ở khu vực này, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 11%.
Các quốc gia trong TOP 10 thị trường logistics mới nổi (theo bảng xếp hạng của Agility, 2023) với quy mô thị trường logistics lớn như Trung Quốc, Ấn Độ đều thuộc khu vực này.
Khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, mặc dù các động lực về nhu cầu còn yếu, chưa thực sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, vẫn giữ mức độ tăng trưởng ổn định khoảng 10%/năm, do những ưu thế về chất lượng hạ tầng và mức độ kết nối tốt giữa các phương thức vận tải…
Báo cáo Logistics Việt Nam 2024: Khu Thương mại tự do (FTZ)và tiềm năng phát triển ngành Logistics
Dưới đây là Báo cáo logistics Việt Nam mới nhất 2024 (có file đính kèm) mà RatracoSolutions Logistics đã tổng hợp được:
Tóm tắt báo cáo logistics Việt Nam năm 2024
Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 được kết cấu bao gồm 07 chương. Cụ thể:
- Chương 1: Môi trường kinh doanh dịch vụ logistics;
- Chương 2: Hạ tầng logistics;
- Chương 3: Dịch vụ logistics;
- Chương 4: Logistics tại doanh nghiệp sản xuất và thương mại;
- Chương 5: Các hoạt động liên quan đến logistics;
- Chương 6: Phát triển logistics ở địa phương;
- Chương 7: Chuyên đề: Khu thương mại tự do.
Báo cáo được xây dựng với sự tham gia của các Chuyên gia từ các Bộ, ngành, hiệp hội, các tổ chức đào tạo và nghiên cứu,…trên cơ sở hệ thống thông tin và dữ liệu đáng tin cậy, cập nhật từ các nguồn thông tin chính thống và kết quả khảo sát thực tế.
Bản báo cáo logistics này nhằm hoạch định kế hoạch, định hướng và đưa ra những giải pháp cho những năm tiếp theo, từ đó đưa toàn ngành Logistics Việt Nam hòa vào dòng chảy thương mại hàng hóa trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam,…
Báo cáo logistics với chủ đề Khu thương mại tự do
Thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200, bắt đầu từ năm 2017, Bộ Công Thương phối hợp cùng các Chuyên gia logistics xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam thường niên nhằm rà soát, đánh giá, cung cấp thông tin về tình hình, triển vọng logistics Việt Nam và quốc tế và các quy định chính sách liên quan,…góp phần phục vụ công tác quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp, công tác nghiên cứu khoa học và truyền thông trong lĩnh vực logistics.
Ngày 26/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng. Theo đó, Quốc hội đồng ý thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Cùng với đó, khu thương mại tự do cũng được đề xuất trong quy hoạch của nhiều tỉnh, thành. Với sự mở rộng của các khu thương mại tự do, Việt Nam không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh trong khu vực mà còn hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng được ký kết và thực thi.
Bên cạnh việc cung cấp những thông tin về tình hình phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong năm vừa qua, Báo cáo logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do” sẽ tập trung phân tích tầm quan trọng và tiềm năng của các FTZ đối với sự phát triển của ngành logistics, đồng thời đưa ra các nhận định và khuyến nghị về chiến lược phát triển bền vững.
Báo cáo cũng sẽ đánh giá các mô hình phát triển FTZ thành công trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và gợi mở các chính sách phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới.
>>Xem chi tiết Báo cáo logistics Việt Nam 2024 tại đây: BÁO CÁO LOGISTIC VIỆT NAM 2024
Thực trạng hoạt động của FTZ tại Việt Nam, tầm quan trọng của FTZ đối với nền kinh tế và Logistics
Ratraco Solutions – Đơn vị vận chuyển container đường sắt chuyên nghiệp, uy tín nhiều năm trong lĩnh vực Logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Khu thương mại tự do, thực trạng hoạt động của khu vực đặc biệt này cũng như chỉ ra tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế nước nhà và lĩnh vực Logistics. Cụ thể như sau:
Khái niệm Khu thương mại tự do
Khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) là một loại của Khu tự do, thường hay bị nhầm lẫn với các phân loại khác.
Theo nhà kinh tế học Herbert G. Grubel, Khu thương mại tự do là một khu đất khép kín, được chỉ định đặc biệt trong một quốc gia, nơi hàng hóa có thể được nhập khẩu, lưu trữ, sử dụng trong sản xuất, trưng bày, lắp ráp, phân loại và bán mà không phải chịu các hạn chế về hạn ngạch, thuế quan, thuế tiêu thụ đặc biệt, kiểm soát ngoại hối cũng như quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng như khi ở bên ngoài khu vực này. Các khu vực này thường được tách biệt với phần còn lại của quốc gia bằng các rào chắn vật lý như hàng rào.
Theo dữ liệu thống kê của ITC và OECD, hiện, trên thế giới có hơn 800 khu vực thương mại tự do (FTA) và hơn 3500 khu thương mại tự do (FTZ) nằm trên hơn 130 khu vực và lãnh thổ khắp thế giới.
Thực trạng hoạt động của FTZ tại Việt Nam
Khu thương mại tự do (FTZ) là mô hình đã quen thuộc trên thế giới, tuy nhiên, loại hình này vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Cụ thể, đến thời điểm hiện nay Việt Nam chưa có FTZ nào được hình thành. Hệ thống pháp luật của của Việt Nam chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ
trương đầu tư, quyết định thành lập, mô hình quản lý, cơ chế hoạt động, phân cấp quản lý trong FTZ.
Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước tiếp cận mô hình này thông qua việc phát triển những loại hình khu có quy mô nhỏ hơn như: khu chế xuất, khu phi thuế quan trong khu kinh tế, các kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế,…Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, Việt Nam hiện có 414 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất.
Tầm quan trọng của FTZ với nền kinh tế và logistics
* Đối với nền kinh tế
Khu thương mại tự do (FTZ) đóng vai trò quan trọng trong tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước:
- Thu hút đầu tư nước ngoài:
FTZ là một trong những công cụ mạnh mẽ để thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ vào các chính sách ưu đãi, cơ sở hạ tầng hiện đại và môi trường kinh doanh thuận lợi mà nó mang lại.
- Thúc đẩy thương mại quốc tế:
Các FTZ được thiết lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa mà không phải chịu thuế ngay lập tức, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
- Đóng góp vào GDP:
Sự phát triển của FTZ có đóng góp quan trọng vào GDP của quốc gia, thông qua việc thúc đẩy sản xuất làm tăng sản lượng kinh tế, tạo việc làm và tăng cường thương mại.
* Đối với ngành logistics
- Giảm chi phí logistics:
Doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế, phí (chi phí lưu kho và lưu giữ hàng hóa), thủ tục hải quan đơn giản, thời gian thông quan nhanh chóng, giúp giảm chi phí logistics.
- Phát triển hạ tầng logistics:
FTZ đi kèm với việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại như cảng biển, sân bay và hệ thống giao thông cùng với ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, giúp nâng cao hiệu suất các hoạt động logistics.
- Nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng:
FTZ cho phép tích hợp các hoạt động như lưu trữ, phân phối, và sản xuất tại một địa điểm duy nhất, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng.
Khu thương mại tự do tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển mạng lưới Logistics
Nội dung báo cáo logistics Việt Nam 2024 của Bộ Công Thương đã được Ratraco đúc kết ở trên để các Tổ chức, doanh nghiệp tiện theo dõi. Song song đó cũng là tình hình logistics, tình hình kinh tế Việt Nam, tình hình logistics thế giới từ đầu năm 2024 tới nay,…
Tiếp theo, hãy cùng chúng tôi bàn về cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển Khu thương mại tự do (FTZ) tại Việt Nam sau đây:
Cơ hội, thách thức khi phát triển Khu thương mại tự do tại Việt Nam
* Cơ hội phát triển Khu thương mại tự do tại Việt Nam
- Vị trí địa lý chiến lược:
Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, một vị trí địa lý chiến lược gần các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Vị trí này cho phép Việt Nam trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực, dễ dàng kết nối với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN khác.
- Hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng:
Việt Nam sở hữu nhiều cảng biển lớn và hiện đại như cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng và cảng Cái Mép – Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Những cảng này có khả năng tiếp nhận tàu container lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Hệ thống giao thông kết nối giữa cảng biển với các khu công nghiệp và khu chế xuất cũng đang được nâng cấp và mở rộng.
- Chính sách ưu đãi đầu tư:
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chính sách này gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập vào từ nước ngoài để sản xuất, kinh doanh trong các FTZ và miễn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong FTZ.
Chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng được áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
- Tiềm năng phát triển kinh tế:
Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu tiêu dùng nội địa cao tạo ra một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp đầu tư vào FTZ.
* Thách thức khi phát triển Khu thương mại tự do tại Việt Nam
- Cạnh tranh khu vực:
Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực đã có các FTZ phát triển như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Những quốc gia này có khung pháp lý hoàn thiện, cơ sở hạ tầng hiện đại và các chính sách ưu đãi hấp dẫn, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển FTZ. Ngoài ra, các quốc gia này cũng có kinh nghiệm quản lý và vận hành FTZ hiệu quả, làm cho việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn.
- Khung pháp lý chưa hoàn thiện:
Hiện, Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng và cụ thể cho việc thành lập và quản lý FTZ. Các quy định hiện hành chủ yếu tập trung vào các khu kinh tế (KKT) và khu chế xuất (KCX), chưa đề cập chi tiết đến các FTZ. Việc thiếu khung pháp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận và phát triển FTZ, đồng thời, làm giảm tính minh bạch và hiệu quả của quản lý Nhà nước với các khu vực này.
- Cơ sở hạ tầng logistics:
Mặc dù cơ sở hạ tầng đã được cải thiện, vẫn cần đầu tư thêm vào các dịch vụ hỗ trợ logistics như kho bãi, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ phụ trợ khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của FTZ. Hệ thống giao thông kết nối giữa các khu vực kinh tế trọng điểm và các FTZ cần được nâng cấp và mở rộng, đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa diễn ra thông suốt và hiệu quả.
- Chất lượng nguồn nhân lực:
Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và quản lý FTZ tại Việt Nam còn hạn chế. Tuy Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và đông đảo nhưng kỹ năng và trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực này chưa đáp ứng đủ yêu cầu của các doanh nghiệp trong các FTZ. Việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của FTZ.
Giải pháp phát triển Khu thương mại tự do Việt Nam
Một số giải pháp phát triển khu thương mại tự do tại Việt Nam được đề xuất:
1. Một là, tỉnh/thành phố chủ động đề xuất dự thảo Cơ chế thí điểm Khu thương mại tự do thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội phê duyệt. Chủ động xin ý kiến các bộ liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,…
2. Hai là, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, gồm hệ thống đường bộ, cảng biển, sân bay và cơ sở vật chất trong địa bàn tỉnh/thành phố.
3. Ba là, áp dụng công nghệ tiên tiến từ hai phía: Cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Sử dụng hệ thống quản trị kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp sẽ chủ động ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành.
4. Bốn là, dự thảo đề xuất cải thiện môi trường kinh doanh trong FTZ. Tỉnh/thành phố cần nghiên cứu đề xuất đơn giản hóa thủ tục hải quan và quản lý, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quy trình hành chính…
5. Năm là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư vào các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động,…góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và sự phát triển chung của FTZ.
Chính sách ưu đãi thu hút Nhà đầu tư:
- Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục cụ thể theo hướng dẫn;
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
- Mức ưu đãi, thời hạn áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do;
- Mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuế đất;
- Các ưu đãi chưa quy định tại khoản này của Khu thương mại tự do;
- Hàng hóa, dịch vụ được mua bán, cung ứng giữa nội địa và nước ngoài với Khu thương mại tự do.
CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP VẬN TẢI RATRACO chúng tôi đã cập nhật tổng quan chi tiết Báo cáo logistics Việt Nam 2024 toàn cảnh với các giải pháp phát triển Khu thương mại tự do tại Việt Nam cũng được nêu bật trong báo cáo logistics. Các doanh nghiệp, Tổ chức, ban ngành liên quan cần tìm hiểu về tình hình logistics ở Việt Nam hiện nay cũng như tình hình logistics thế giới nên lưu bài viết này hoặc để lại bình luận bên dưới và cùng Ratraco thảo luận thêm về tình hình logistics 2024.